Skip to main content

#ProtectAgainstFakes: Vì hàng giả có thể gây hại thực sự

Read this article in English or Bahasa Indonesia

Hàng giả là một vấn đề toàn cầu gây thiệt hại kinh tế lớn mỗi năm. Hàng nhái được làm giống hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng nhưng hầu như luôn có chất lượng thấp hơn và không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn mà hàng chính hãng yêu cầu. Một số người tiêu dùng vô tình mua những sản phẩm này, một số khác lại cố ý.

Hầu hết các cuộc trao đổi về hàng giả thường tập trung chủ yếu vào tác động kinh tế và điều này thực sự đáng kể. Tại Liên minh châu Âu (EU), nhập khẩu hàng giả, hàng nhái năm 2019 trị giá 119 tỷ EUR, chiếm 5,8% tổng số hàng hóa vào EU. Hơn nữa, giới trẻ châu Âu ngày càng có xu hướng mua hàng giả. Theo một nghiên cứu của cơ quan Giám sát châu Âu về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, 37% người châu Âu từ 15 đến 24 tuổi được khảo sát vào tháng 2 năm 2022 cho biết họ đã cố ý mua một hoặc một số sản phẩm giả trong 12 tháng trước đó.

Ở các nước ASEAN, việc buôn bán hàng giả cũng gia tăng tương tự, làm thiệt hại hàng tỷ đô la từ nền kinh tế của họ. Không bao gồm dược phẩm, vốn là một thị trường khổng lồ, thị trường hàng giả ở Đông Nam Á dao động từ 33,8 – 35,9 tỷ USD mỗi năm (UNODC, 2019, ‘Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Nam Á: Tiến hóa, Tăng trưởng và Tác động’).

Nhưng có nhiều thứ liên quan đến hàng giả còn hơn cả các số liệu kinh tế. Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng họ đã tiết kiệm được tiền khi mua hàng giả và những thiệt hại kinh tế đối với các cá nhân và công ty không phải là mối quan tâm của họ. Tuy nhiên, những gì họ có thể không nhận ra là có những trả giá khác ảnh hưởng đến chính họ. Mặc dù lập luận đạo đức là để bảo vệ tài sản và sức lao động trí tuệ của ai đó vẫn đứng vững, nhưng người tiêu dùng vẫn nên lưu ý đến những cân nhắc khác nếu họ đang nghĩ đến việc mua hàng giả.

 

Chúng ta có cần quan tâm đến hàng giả không?

Câu trả lời là có. Chắc chắn là như vậy. Ngoài thiệt hại về tiền bạc, các sản phẩm giả thường gây rủi ro – lớn hoặc nhỏ – đối với sức khỏe, sự an toàn và môi trường.

Thông tin về những người gặp vấn đề về sức khỏe sau khi sử dụng các sản phẩm giả, kém chất lượng như dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm là điều thường thấy. Có những lo ngại lớn về an toàn với thiết bị bảo vệ giả và thậm chí cả đồ chơi, những sản phẩm được cho là an toàn nhất có thể để sử dụng. Ngoài ra, còn có những rủi ro đối với môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ các mặt hàng giả được làm bằng hóa chất và kim loại nặng. Suy cho cùng, chính người tiêu dùng là người chịu tác động trực tiếp bởi những hiểm họa rình rập từ hàng giả.

Không giống như các sản phẩm của các công ty và thương hiệu chính thức cần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn để bán được hàng và được khách hàng tin tưởng, những kẻ làm hàng giả không quan tâm đến vấn đề an toàn vì không có động cơ nào để họ làm như vậy. Trong khi đó, chủ sở hữu thương hiệu và nhà sản xuất phải đối mặt với tình trạng “uy tín thương hiệu bị hủy hoại” và “uy tín công ty bị xói mòn”. Sử dụng một sản phẩm giả mạo không chỉ gây hại cho cá nhân chúng ta. Nó làm tổn thương mọi người – chủ sở hữu và nhân viên – những người chỉ muốn kiếm sống. Nếu chúng ta từng trở thành nạn nhân của kiểu đối xử bất công này, chúng ta sẽ hiểu điều đó làm mất tinh thần như thế nào.

Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn là chúng ta cũng có thể tài trợ cho tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Buôn bán bất hợp pháp là một cách mà bọn tội phạm có thể rửa tiền. Việc sản xuất hàng giả thường liên quan đến bóc lột lao động, cưỡng ép và tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau. Tất cả những vấn đề này có nghĩa là toàn xã hội đang phải trả giá đắt.

 

Chúng ta có nhận thức được những rủi ro liên quan đến hàng giả không?

Không phải tất cả hàng giả đều được tạo ra như nhau. Một số hàng giả nguy hiểm hơn hàng giả khác. Các tác động tiêu cực có thể bao gồm từ những bất tiện nhẹ đến các tình huống đe dọa tính mạng.

Rủi ro của sản phẩm giả có thể xuất phát từ quy trình sản xuất và xử lý sai sau đó, bao gồm các vấn đề như sử dụng các thành phần nguy hiểm hoặc bị cấm, nhiễm khuẩn, hệ thống bảo quản không đầy đủ hoặc thiếu, hàm lượng chất gây dị ứng cao hoặc không được tiết lộ, hàm lượng hoạt chất bị thiếu hoặc giảm và không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

Năm 2019, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) đã tiến hành một nghiên cứu về các sản phẩm không an toàn được xác định trong Hệ thống Cảnh báo Nhanh về Sản phẩm Nguy hiểm của EU giai đoạn 2010-2017. Các phát hiện cho thấy khoảng 97% hàng hóa nguy hiểm ghi nhận được đánh giá là có rủi ro nghiêm trọng.

Rõ ràng là phiên bản giả của một số sản phẩm thường nguy hiểm khi sử dụng. Chúng bao gồm dược phẩm, thuốc trừ sâu, rượu, nước hoa và mỹ phẩm. Ví dụ, thuốc giả không có hoạt chất kéo dài thời gian  bị bệnh và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác, trong khi việc sử dụng methanol giá rẻ hơn trong đồ uống có cồn thay cho ethanol bị đánh thuế cao có thể gây chết người.

Trong khi đó, còn có những danh mục sản phẩm giả mạo có hại khác mà chúng ta có thể không biết, bao gồm đồ chơi và thiết bị giải trí, quần áo và hàng dệt may, phụ tùng ô tô và thiết bị bảo vệ cá nhân.

Búp bê giả từ một nhà sản xuất nổi tiếng đã được báo cáo là có chứa phthalates, một hóa chất độc hại. Ván trượt giả đã được báo cáo là quá nóng và gây ra hỏa hoạn, dẫn đến những thảm kịch lớn. Một số hàng dệt được làm bằng thuốc nhuộm độc hại có thể gây phát ban và ung thư da. Khẩu trang N95 giả không lọc được 95 % vật phẩm trong không khí. Và còn rất nhiều trường hợp hàng giả gây hại cho người dùng.

 

Người tiêu dùng chúng ta có thể làm gì để tự bảo vệ mình trước hàng giả?

Nguyên tắc số một là mua sản phẩm từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp có uy tín. Thị trường, đặc biệt là trực tuyến, có thể là một nơi khó khăn mà chúng ta không phải lúc nào cũng biết nên tin tưởng ai. Vì vậy, việc mua từ một nhà cung cấp có uy tín ở một mức độ nào đó có thể bảo vệ chúng ta khỏi các sản phẩm giả mạo.

Những điều khác cần chú ý hoặc các hành động đơn giản cần thực hiện bao gồm cảnh giác với giá thấp bất thường, kiểm tra trang web chính thức của sản phẩm để xem hình ảnh và kiểm tra mô tả của sản phẩm, đồng thời kiểm tra cẩn thận sản phẩm và bao bì của sản phẩm. Hàng hóa vi phạm thường có bao bì đáng ngờ và hiển thị logo và nhãn hiệu thương mại bị sao chép hoặc viết sai chính tả.

Điều quan trọng nữa là phải kiểm tra xem sản phẩm có tiêu chuẩn an toàn bắt buộc hay không, ví dụ: dấu chứng nhận CE hoặc nhãn của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia hoặc quốc tế. Tất nhiên chúng ta nên biết rằng những nhãn này có thể bị làm giả. Nếu chúng ta muốn chắc chắn, chúng ta có thể tìm kiếm nhãn an toàn trên cơ sở dữ liệu tương ứng của chúng.

Là người tiêu dùng, chúng ta cũng nên tự trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề hàng giả nói riêng, để có thể đưa ra quyết định sáng suốt khi mua sản phẩm. Nếu chúng ta hiểu được những tác động tiêu cực khác nhau mà hàng giả gây ra đối với sức khỏe và sự an toàn của chúng ta, cũng như môi trường, nền kinh tế và xã hội, chúng ta sẽ sẵn sàng hơn trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ các nhà sản xuất hàng thật.

Share this post